Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh tham gia vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm

Thứ Năm, 16/5/2019 - 10:50 Đã xem: 985

An toàn thực phẩm đang là vấn đề được mọi người dân và toàn xã hội rất quan tâm, vì đây là nguồn cung cấp năng lượng cho con người để sống và làm việc. Khi thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn sẽ trực tiếp tác động xấu tới sức khỏe, thậm chí tước đoạt cả mạng sống của người sử dụng. Vì vậy, bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của mỗi tổ chức, cá nhân và của mọi người dân.

      Thực hiện Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 30/3/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thống nhất ký kết Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh vận động nhân dân thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình phối hợp đưa ra mục tiêu: Đến năm 2020, vận động ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và có trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%; có trên 98% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 95% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế, 90% chất thải rắn thông thường được xử lý.

Mô hình trồng rau sạch công nghệ cao của Công ty THHH MTV Sơn Dương Green Farm,

xóm 3, thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương

      Thực hiện các mục tiêu trên, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân về an toàn thực phẩm, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...). Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp vận động nhân dân xây dựng mô hình khu dân cư tự quản về vệ sinh, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường thực hiện trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

      Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân của MTTQ thường xuyên đổi mới, theo hướng đa dạng, linh hoạt như: Thông qua sinh hoạt các chi đoàn, chi hội thôn, tổ dân phố; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm; qua các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề, tại các cuộc họp nhân dân ở khu dân cư, qua các phương tiện truyền thông, hệ thống loa truyền thành không dây ở khu dân cư, mỗi năm tổ chức được trên 2.000 buổi, cho 500.000 lượt người nghe. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức 23 hội nghị phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục "Đại đoàn kết” mỗi tháng 01 số, trong đó có nhiều tin, bài phóng sự về khu dân cư, hộ gia đình điển hình tiên tiến, chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng trang Thông tin Điện tử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong dó có công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức 149 lễ/hội nghị phát động Tháng hành động vì ATTP, huy động trên 10.000 lượt người tham dự.

      Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt vai trò giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, tổ chức 2 cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, gắn với thực hiện Chương trình phối hợp giữa UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh về nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và địa bàn dân cư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên và ngành chức năng thường xuyên phổ biến pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đồng thời tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm, kịp thời ngăn chặn và kiến nghị với các cấp, ngành có thẩm quyền xử lý, giải quyết những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Điển hình như MTTQ huyện Chiêm Hóa đã chủ trì phối hợp tổ chức Đoàn giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại 5 cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện. Cả 141/141 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, Ủy ban MTTQ đều chủ trì phối hợp, tổ chức được hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tất cả 2.096/2.096 Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong tỉnh đều chủ trì phối hợp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên, cán bộ của khu dân cư trực tiếp tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm tới hộ gia đình trên địa bàn, xây dựng các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư, cam kết thực hiện bảo vệ môi trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Thông qua hoạt động giám sát, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong những năm qua đã góp phần phòng chống có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. Trên địa bàn tỉnh, chưa xảy ra vụ nào ngộ độc thực phẩm đông người.

      Từ các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của MTTQ các cấp trong tỉnh, với cách làm linh hoạt, cụ thể từ tỉnh tới địa bàn khu dân cư, công tác bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực từ trong nhận thức đến hành động của mỗi tổ chức, cá nhân và trong các tầng lớp nhân dân, tạo ra phong trào toàn dân tự giác cùng thực hiện, có sức lan tỏa trong xã hội và có hiệu quả thiết thực. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có 13 mô hình trồng trọt được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 153,74 ha; 1.060 khu dân cư xây dựng được các mô hình xử lý chất thải, rác thải; 1.980 khu dân cư có các mô hình tổ tự quản về vệ sinh, bảo vệ môi trường; 2.003 khu dân cư không có hộ sản xuất, kinh doanh vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 92%; 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,9%. Tỷ lệ khu dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa và hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng hàng năm: Năm 2018 toàn tỉnh có 1.705/2.096 Khu dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, tăng 5,14% so với năm 2016; 88, 54% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, tăng 1,34% so với năm 2016.

Cam sành Hàm Yên được trồng theo công nghệ VietGAP

      Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được phát huy thông qua việc lồng ghép công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các tổ chức, gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" để tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện ngay tại cơ sở, cộng đồng dân cư.

      Tuy nhiên, nhân dân trong tỉnh vẫn lo lắng, băn khoăn về vệ sinh an toàn thực phẩm vì việc sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) còn ít. Các hành vi vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, quả, lương thực vẫn còn phổ biến. Công tác kiểm soát giết mổ động vật chưa đảm bảo theo quy định. Việc sử dụng chất cấm làm phụ gia chế biến thực phẩm còn xảy ra. Vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu thủ công chưa được kiểm soát. Đa phần các cơ sở nấu rượu thủ công dụng cụ thô sơ không đảm bảo quy trình sản xuất ở khâu khử methanol, andehit (chất gây ngộ độc). Tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn còn tràn lan trên thị trường. Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ chưa được chú trọng, nhiều chợ hệ thống xử lý nước thải và chất thải không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường. Kinh doanh thực phẩm, nông sản tại các chợ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh...

      Từ thực tế trên, đòi hỏi trong thời gian tới MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải tăng cường phối hợp với chính quyền tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 30/3/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với vận động, giám sát việc thực hiện tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất, cơ sở chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm cũng như tới người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó để việc thực hiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là nét văn hóa của nhà sản xuất kinh doanh và của người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất, cơ sở chế biến, kinh doanh hãy nói không với thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng hãy nói không với những thực phẩm không an toàn. Coi công tác tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là cơ sở, căn cứ để nhà nước thực hiện quản lý có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả trong việc phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn trên thị trường, giữ được niềm tin và bảo vệ được người tiêu dùng./.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             Phan Hương

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 255 | Trang: 1 trên tổng số 26 trang  
Xem tin theo ngày:   / /